Có thể hầu hết mọi người đều biết rượu vang được lên men từ những trái nho. Tuy nhiên, sẽ rất ít người biết rằng các giống nho làm rượu vang thì lại khác với các giống nho lấy quả để ăn. Tuy các giống nho lấy quả vẫn có thể được dùng để làm rượu vang nhưng chất lượng sẽ khó có thể sánh nổi với các chai vang được làm từ các giống nho chuyên biệt để lên men.
Một thống kê không chính thức của FAO (tổ chức nông lương thế giới) cho biết có tới 71% nho được trồng để làm rượu vang, 27% dùng để ăn và chỉ có 2% dùng để làm nho khô. Tất nhiên rượu vang được làm từ nguyên liệu thô là nho, nhưng nói khoa học chính xác thì nó được lên men và thành rượu từ nguyên liệu là đường trái cây. Chính vì thế, trên lý thuyết thì bất kỳ loại trái cây nào có nhiều đường đều có thể lên men và làm rượu vang chứ không chỉ có nho mới làm được rượu vang. Điều khác biệt và là lý do duy nhất khiến nho được chọn làm rượu chứ không phải bất kỳ loại trái cây nào khác chính vì lớp men từ vỏ ngoài của nho. Khi sắp chín, ở trái nho có một lớp men phủ ở vỏ ngoài của quả nho. Hàm lượng đường trong quả nho cũng phù hợp để lên men thành rượu vang mà không làm cho rượu quá ngọt hay quá chua. Đó là lý do tài sao nho được chọn làm nguyên liệu chính để làm rượu vang chứ không phải bất kỳ loại trái cây nào khác.
ĐỘ đường trong trái nho sẽ quyết định chất lượng của giống nho đó. Tuy nhiên không phải các giống nho trồng ở đâu cũng cho tỉ lệ đường giống nhau, mà nó phụ thuộc phần lớn vào khí hậu và thổ nhưỡng của vùng trồng cộng với thời tiết của niên vụ. Theo nghiên cứu mới nhất thì một số giống nho trồng ở Ninh Thuận cũng có lượng đường tương đương với các vùng trồng nho nổi tiếng của thế giới. Lượng đường trong một số giống nho ở Ninh Thuận có thể đạt 26%. Đây cũng là giống nho được lên men để làm ra chai vang Chateau Dalat.
Sự khác biệt giữa nho ăn và nho làm vang
Thường thì các loại nho lấy quả để ăn sẽ khác với các giống nho làm rượu vang. Nho để ăn thường có quả to, ít hoặc không có hạt. Các loại nho để ăn quả cũng có vỏ mỏng hơn. Thời điểm thu hái cũng là điểm khác biệt khá lớn khi mà nho để ăn thường được thu hái khi trái cây gần chín để đảm bảo quá trình đóng hộp và vận chuyển không bị dập nát.
Trong khi đó, các giống nho làm vang thì có vỏ dầy, chát hơn, nhiều hạt và kích cỡ khá nhỏ. Quả nho cũng thường được để chín cây nhằm đảm bảo mùi vị và hương thơm chín muồi nhất. Thậm chí có một số nhà sản xuất và giống nho còn để cho trái nho chín khô trên cây để đạt mục đích tạo ra các chai vang với chất lượng cụ thể.
Chính vì những trái nho chín cây mọng nước và nhiều đường (tùy thời điểm thu hái và giống nho + vùng trồng mà lượng đường khác nhau) nên khi được lên men sẽ cho ra những chai vang có mùi thơm quyến rũ, hậu vị mê đắm lòng người. Một đặc điểm khác biệt nữa đến từ các giống nho làm vang là chúng có lượng đường lớn hơn so với các giống nho lấy quả để ăn. Lượng đường lớn trong trái nho sẽ giúp quá trình lên men dễ dàng hơn và nhanh hơn.
Các giống cây nho lấy quả làm rượu vang thường có khả năng chịu hạn cao, chỉ cần khoảng 60% nước tưới so với cây nho ăn trái. Thậm chí, trước thời điểm thu hoạch khoảng một tháng, người ta còn hoàn toàn không tưới nước cho cây nho làm rượu để quả đạt hàm lượng đường tốt nhất.
Việt Nam hiện nay đang là một trong 8 nước có diện tích trồng nho lớn nhất Châu Á. Sản lượng nho hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 11,2 tấn/ha/năm. Vùng trồng nho tốt nhất nước hiện nay nằm ở tỉnh Ninh Thuận và đang được đầu tư cả về công nghệ cũng như kỹ thuật để phát triển cây nho. Hy vọng với sự đầu tư cả về kỹ thuật, công nghệ và con người trong thời gian tới, các sản phẩm vang của Việt Nam sẽ có thể sánh ngang về chất lượng với các siêu phẩm đến từ Ý, Đức hay Pháp.